Bối cảnh Phim tiểu sử

Chapaev, một bộ phim tiểu sử ra đời năm 1934 về anh hùng chiến tranh Nga Vasily Chapaev.

Những học giả về dòng phim tiểu sử gồm có George F. Custen của Đại học Staten Island và Dennis P. Bingham của Đại học Indiana–Đại học Purdue Indianapolis. Trong cuốn Bio/Pics: How Hollywood Constructed Public History (1992), Custen xem thể loại này đã chết cùng với kỷ nguyên xưởng phim Hollywood, và đặc biệt là Darryl F. Zanuck.[3] Mặt khác, nghiên cứu Whose Lives Are They Anyway? The Biopic as Contemporary Film Genre năm 2010 của Bingham cho thấy cách mà dòng phim trường tồn dưới dạng một thể loại được hệ thống hóa bằng cách sử dụng nhiều trope giống như trong kỷ nguyên xưởng phim,[4] chúng đi theo một quỹ đạo tương tự như cách mà Rick Altman thể hiện trong nghiên cứu Film/Genre của ông.[5] Bingham cũng coi phim tiểu sử nam và phim tiểu sử nữ là hai dòng riêng biệt, dòng phim tiểu sử nam thường nhắc đến những thành tựu to lớn, còn dòng phim tiếu sử nữ thường nhắc đến việc phụ nữ trở thành nạn nhân. Tác phẩm Bio-Pics: a life in pictures (2014) của Ellen Cheshire đã đánh giá các bộ phim của Anh/Mỹ từ các thập niên 1990 và 2000. Mỗi chương đánh giá các bộ phim quan trọng được liên kết theo nghề nghiệp và kết thúc bằng danh sách xem thêm.[6] Christopher Robé cũng viết về các chuẩn mực giới tính làm nền tảng cho dòng phim tiểu sử trong bài báo "Taking Hollywood Back" của ông đăng trên ấn phẩm Cinema Journal năm 2009.[7]

Roger Ebert đã lên tiếng bảo vệ phim The Hurricane và những bóp méo trong dòng phim tiểu sử nói chung: "những người tìm kiếm sự thật về một người đàn ông từ bộ phim về cuộc đời anh ta cũng có thể tìm kiếm nó từ người bà yêu quý của anh ta. ... The Hurricane không phải là một bộ phim tài liệu mà là một phim dụ ngôn."[8]